Thành viên: là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh.
Cổ đông: Là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần.
Các tranh chấp nội bộ giữa các các thành viên, cổ đông với nhau chủ yếu là những tranh chấp về:
- Tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ góp vốn; tài sản góp vốn như: Thành viên/cổ đông không góp đủ vốn theo cam kết góp/đăng ký trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp….
VD 1: Do có thành viên không góp đủ vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập dẫn đến doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính vì việc không góp đủ vốn, khó khăn trong việc thay đổi thông tin về vốn, thành viên hoặc khó khăn trong việc giải quyết thủ tục phá sản, giải thể sau này….
- Tranh chấp định giá tài sản khi góp vốn: Tài sản được tự định giá cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường, tranh chấp về việc thành viên/cổ đông không chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn …
VD 2: Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất, giá trị thị trường chỉ 3 tỷ, các thành viên/cổ đông để làm đẹp hồ sơ vốn điều lệ công ty nên đã tự định giá 30 tỷ, tương ứng với đó thành viên/cổ đông sở hữu quyền sử dụng đất (sau đó chuyển sang sở hữu của công ty nhằm hoàn thành việc góp vốn) sẽ có tỷ lệ % vốn góp cao hơn thực tế, dễ dàng kiểm soát quyền quản lý hoặc có tỷ lệ phân chia lợi nhuận cao hơn => Có thể sớm phát sinh tranh chấp về quyền quản lý và quyền phân chia lợi nhuận trong tương lai khi công ty ngày càng mở rộng và phát triển.
VD 3: Thành viên/cổ đông có cam kết góp bằng nhà và đất để làm trụ sở công ty. Thực tế thành viên/cổ đông đó đã dùng nhà đất đó để công ty làm trụ sở nhưng không tiến hành “sang tên” cho công ty. Sau đó, thành viên/cổ đông này chết, dẫn đến tranh chấp quyền sở hữu nhà đất giữa những người thừa kế của thành viên/cổ đông và công ty.
- Tranh chấp về quyền nhận, chuyển nhượng vốn.
VD 4: Thành viên công ty TNHH tự ý chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho bên thứ ba (không phải là thành viên hiện hữu của công ty) mà chưa thông qua quy trình chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty. Từ đó, có thể dẫn đến tranh chấp về quyền mua phần vốn góp này giữa thành viên cũ và các thành viên còn lại hoặc tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng vốn có thể bị vô hiệu giữa thành viên cũ và bên thứ ba mới nhận chuyển nhượng phần vốn góp đó.
- Tranh chấp về việc phân chia lợi nhuận;
VD 5: Các thành viên/cổ đông không thống nhất ý kiến về mức lợi nhuận được giữ lại tái đầu tư, mức lợi nhuận sẽ đem chia hoặc các thành viên/cổ đông không đồng ý thông qua nội dung của báo cáo tài chính, cho rằng báo cáo tài chính có gian lận, không chính xác dẫn đến mức lợi nhuận phân chia không đúng thực tế…
- Tranh chấp về quyền được đề cử, ứng cử vào các vị trí quản lý;
VD 6: Các thành viên/cổ đông tranh chấp về việc ai sẽ là được đảm nhận các vị trí quản lý chủ chốt, mức lương trả cho các vị trí này…
- Tranh chấp trong việc ra quyết định quản lý, điều hành doanh nghiệp;
VD 7: Các thành viên/cổ đông với tư cách là một phần của Hội đồng thành viên (Công TNHH), Đại HĐCĐ (Công ty cổ phần) được quyền quyết định các vấn đề quan trọng của công ty và thường mâu thuẫn sau về các về đề: Quyết định chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hằng năm của công ty; Quyết định tăng hoặc giảm vốn điều lệ; Thông qua hợp đồng vay, cho vay, bán tài sản và hợp đồng có giá trị lớn mà theo Điều lệ phải có sự đồng ý của Hội đồng thành viên/Đại HĐCĐ; Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý công ty; Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty…