Luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam: Những điều cần biết

Luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam: Những điều cần
Mục lục

1. Tổng quan về luật trọng tài thương mại

Luật trọng tài thương mại Việt Nam là một phần trong hệ thống pháp luật nhằm quy định và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại bằng phương pháp trọng tài. Dưới đây là một số điểm cơ bản về Luật trọng tài thương mại Việt Nam:

1.1. Phạm vi áp dụng

Luật này áp dụng cho các vụ tranh chấp thương mại mà các bên đồng ý sử dụng trọng tài để giải quyết. Phạm vi này rộng và bao gồm hầu hết các loại hợp đồng thương mại, mua bán hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, xây dựng, v.v.

1.2. Nguyên tắc cơ bản 

Căn cứ Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài như sau:

– Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.

– Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.

– Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

– Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

1.3. Quy trình trọng tài

Quy trình trọng tài theo Luật trọng tài thương mại Việt Nam được thực hiện theo 5 bước: 

Bước 1: Khởi kiện và tự bảo vệ

Nguyên đơn gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm.

Trung tâm gửi Đơn khởi kiện và tài liệu liên quan cho Bị đơn.

Bị đơn gửi Bản tự bảo vệ và Đơn kiện lại (nếu có) cho Trung tâm.

Bước 2: Thành lập Hội đồng trọng tài

Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên

Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chọn 1 Trọng tài viên hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định 1 Trọng tài viên.

Hai trọng tài viên được các bên chọn bầu 1 Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài; trường hợp hai trọng tài viên không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài trong thời hạn quy định thì Chủ tịch Trung tâm chỉ định một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất

Nguyên đơn và bị đơn thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất hoặc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất trong trường hợp các bên không thống nhất được Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn quy định.

Bước 3: Hội đồng trọng tài nghiên cứu hồ sơ, thực hiện một số công việc theo thẩm quyền

Các Trọng tài viên nghiên cứu hồ sơ.

Hội đồng trọng tài thực hiện một số công việc theo thẩm quyền như xác minh sự việc, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Bước 4: Tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp

Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp.

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải. Trường hợp hòa giải thành, Hội đồng trọng tài lập Biên bản hòa giải thành và ra Quyết định công nhận hòa giải thành.

Bước 5: Ra phán quyết trọng tài

Trường hợp không hòa giải hoặc không hòa giải thành, Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Hội đồng Trọng tài gửi Phán quyết trọng tài tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài.

1.4. Hiệu lực và thực thi quyết định

Phán quyết trọng tài thương mại có tính chung thẩm và có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài sẽ được thực hiện tự nguyện bởi các bên tranh chấp hoặc cưỡng chế từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự và thủ tục do luật định.

1.5. Đặc điểm quốc gia

Luật trọng tài thương mại Việt Nam phản ánh đặc thù của pháp luật Việt Nam và cũng chấp nhận các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế nhưng được điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và nền kinh tế của Việt Nam.

Luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam: Những điều cần
Luật Trọng tài thương mại tại Việt Nam: Những điều cần

2. Các quy định chính trong luật

Luật trọng tài thương mại Việt Nam (Luật số 54/2010/QH12) bao gồm nhiều quy định quan trọng để điều chỉnh hoạt động trọng tài trong lĩnh vực thương mại. Các điều luật này cùng với các điều khoản khác trong Luật trọng tài thương mại Việt Nam tạo nên một khung pháp lý toàn diện và rõ ràng, giúp đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại bằng phương pháp trọng tài. Các quy định chính trong luật như là phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc giải quyết, điều kiện giải quyết. 

Ngoài ra, trong Luật trọng tài thương mại Việt Nam còn dành ra một chương để quy định về thỏa thuận trọng tài, quy định về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên, quy trình trọng tài, quy định chi tiết về trung tâm trọng tài tại chương IV và những biện pháp khẩn cấp tạm thời để áp dụng trong trường hợp cần thiết trong quá trình tố tụng bằng biện pháp trọng tài.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan

Trong tố tụng trọng tài, để các bên tham gia hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình nhằm cho quá trình giải quyết diễn ra một cách hiệu quả thì Luật trọng tài thương mại Việt Nam đã quy định quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia.

Quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt của các bên xuyên suốt, chi phối trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp bằng tố tụng trọng tài.Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận về việc lập thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi xảy tranh chấp, lựa chọn trọng tài viên, thay đổi trọng tài viên, thành phần hội đồng trọng tài, hình thức trọng tài (quy chế hoặc vụ việc), ngôn ngữ, địa điểm, luật áp dụng trong trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài, phiên họp giải quyết tranh chấp, thành phần thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp…. Khoản 1 Điều 4 LTTTM quy định rõ: “Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội”. Điều 6 LTTTM quy định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thỏa thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được”. 

Ngoài ra còn có quyền rút đơn khởi kiện, nguyên đơn còn có quyền sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, bị đơn bên cạnh quyền tự bảo vệ, quyền kiện lại, còn có quyền sửa đổi bổ sung đơn kiện lại, bản tự bảo vệ. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp (khoản 2 điều 37 LTTTM). Quyền tự định đoạt vẫn được tiến hành ngay cả khi Hội đồng (của Tòa án có thẩm quyền ) xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong thời gian xem xét đơn, khi có yêu cầu của một bên, có thể tạm đình chỉ việc xem xét giải quyết đơn trong thời hạn không quá 60 ngày để tạo điều kiện cho Hội đồng trọng tài khắc phục thiếu sót tố tụng trọng tài theo quan điểm của Hội đồng trọng tài nhằm loại bỏ căn cứ hủy bỏ phán quyết trọng tài.

Ngoài những quy định về quyền của các bên thì việc cung cấp chứng cứ vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của các bên tham gia. Luật trọng tài thương mại của Việt Nam  quy định rằng nguyên đơn và bị đơn có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho HĐTT để chứng minh cho các yêu cầu của mình và các sự việc có liên quan đến nội dung tranh chấp có căn cứ.

4. Cách để giải quyết tranh chấp bằng Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Bigboss

Để giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài thương mại tại BBIAC. Quý khách hàng có thể ghi vào hợp đồng 1 trong 2 nội dung sau: 

4.1. Điều khoản trọng tài mẫu

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế BIGBOSS (BBIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung: 

(a) số lượng trọng tài viên là [một hoặc ba].

(b) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia]. 

(c) luật áp dụng cho hợp đồng là [ ].* 

(d) ngôn ngữ trọng tài là [ ].** Ghi chú: * 

Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài ** 

Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

4.2. Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế BIGBOSS (BBIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của BBIAC.”

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung:

(a) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia].

(b) luật áp dụng cho hợp đồng là [ ].*

(c) ngôn ngữ trọng tài là [ ]. **

Ghi chú:

* Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài

** Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

.
Lên đầu trang

Đăng tài liệu

TIÊU ĐỀ BÀI ĐĂNG
NỘI DUNG BÀI ĐĂNG
tải tệp lên (chỉ pdf)
Maximum file size: 512 MB