I. Khái niệm và các quy định về hội đồng trọng tài
Hội đồng trọng tài – Bộ phận chuyên trách giải quyết tranh chấp thương mại trong trung tâm trọng tài thương mại gồm một hoặc một số trọng tài viên, được thành lập theo sự chỉ định của các bên tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật về trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc.
Theo quy định pháp luật, có hai loại Hội đồng trọng tài: Hội đồng trọng tài thành lập tại Trung tâm Trọng tài và Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập.
II. Các quy định về thành lập hội đồng trọng tài
1.Thành phần Hội đồng trọng tài
Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
- Tìm hiểu chi tiết về trọng tài viên qua bài viết sau
Trung Tâm Trọng Tài Là Gì? Khái Quát Về Trung Tâm Trọng Tài
2. Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài
Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài được quy định như sau:
a. Trường hợp có một bị đơn
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên.
- Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
b. Trường hợp có nhiều bị đơn:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do Trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định Trọng tài viên cho mình.
- Nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn;
c. Chọn Chủ tịch Hội đồng trọng tài
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định, các Trọng tài viên này bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
- Hết thời hạn này mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài
- Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
3. Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc
a. Trường hợp có một bị đơn:
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình chọn.
- Hết thời hạn 30 ngày, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn.
b. Trường hợp có nhiều bị đơn
- Các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo.
- Hết thời hạn 30 ngày, nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên và nếu các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.
c. Chọn Chủ tịch Hội đồng trọng tài
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
- Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài
- Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thoả thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất.
II. Các câu hỏi thường gặp về hội đồng trọng tài
1. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
Theo Khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
a) Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
b) Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
c) Kê biên tài sản đang tranh chấp;
d) Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
đ) Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
e) Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
2. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền thu thập chứng cứ hay không?
Theo Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Hội đồng trọng tài và theo yêu cầu của một hoặc các bên, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan, có quyền trưng cầu giám định, định giá tài sản, có quyền tham vấn ý kiến chuyên gia và nếu đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà vẫn không thu thập được chứng cứ, Hội đồng trọng tài có thể gửi đơn yêu cầu Toà án hỗ trợ.
3. Hội đồng trọng tài có thẩm quyền triệu tập người làm chứng hay không?
Căn cứ Điều 47 Luật Trọng tài thương mại 2010, theo yêu cầu của một hoặc các bên và xét thấy cần thiết, Hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu người làm chứng có mặt tại phiên họp giải quyết tranh chấp. Chi phí cho người làm chứng do bên yêu cầu triệu tập người làm chứng chịu hoặc do Hội đồng trọng tài phân bổ.
Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài.
Tổng kết
Vừa rồi BBIAC đã chia sẻ với bạn những thông tin hữu ích liên quan đến hội đồng trọng tài, và cung cấp các thông tin liên quan đến việc thành lập hội đồng trọng tài tại các trung tâm trọng tài. Hi vọng bài viết vừa rồi giúp ích được cho bạn! Nếu như bạn đang có nhu cầu tìm kiếm một cơ sở chuyên giải quyết các cuộc tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, hãy liên hệ ngay với BBIAC để được tư vấn và chăm sóc nhanh chóng nhất!
Thông tin liên hệ
TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BIGBOSS
Địa chỉ: Số 25 Đường GS01, Khu phố Tây B, Phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương
Tel: 0979 133 955
Email: info.bbiac@gmail.com