(Luật Đất đai năm 2024: Trọng tài thương mại chính thức được trao quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Ảnh minh họa: AI))
Từ ngày 1 tháng 8 năm 2024, Luật Đất đai năm 2024 chính thức có hiệu lực, mang theo nhiều điểm đổi mới đáng chú ý so với Luật Đất đai năm 2013. Trong số đó, một thay đổi quan trọng được cộng đồng pháp lý đặc biệt quan tâm là việc lần đầu tiên bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại. Sự bổ sung này không chỉ mang ý nghĩa pháp lý thuần túy mà còn là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến trong tư duy lập pháp theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng của các cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tư pháp, hướng tới mô hình giải quyết tranh chấp đa phương tiện, hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thêm cơ chế giải quyết tranh chấp linh hoạt và hiệu quả
Trước đây, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chủ yếu thuộc về Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp. Tuy nhiên, với thực trạng quá tải và thời gian giải quyết kéo dài tại các cơ quan này, việc bổ sung Trọng tài thương mại như một hướng đi phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, khoản 5 và khoản 6 Điều 236 của Luật Đất đai năm 2024 quy định:
“5. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.
6. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai”
Theo quy định tại này, các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại có liên quan đến đất đai sẽ được trao quyền lựa chọn cho các bên liên quan để giải quyết thông qua Tòa án hoặc Trọng tài thương mại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên pháp luật đất đai ghi nhận một cách chính thức và cụ thể vai trò của Trọng tài thương mại trong lĩnh vực vốn trước đây được xem là “đặc thù” và chỉ thuộc về Tòa án hoặc Ủy ban nhân dân các cấp. Cùng với đó, Luật cũng quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là UBND các cấp, trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai khi có yêu cầu từ Trọng tài thương mại hoặc Tòa án. Điều này tạo nên một cơ chế hỗ trợ hành chính đồng bộ, làm tiền đề để việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài có thể vận hành thực chất và hiệu quả.
Mở rộng phạm vi công nhận phán quyết trọng tài
Không dừng lại ở việc xác lập thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Luật Đất đai năm 2024 còn có những quy định công nhận giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài thương mại trong các hoạt động dân sự và thương mại liên quan đến quyền sử dụng đất. Cụ thể, khoản 1 điều 28 Luật Đất đai năm 2024 quy định về những người nhận quyền sử dụng đất bao gồm:
“m) Tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất;
n) Cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam“
Như vậy, các tổ chức trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo có thể nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam. Điều này đặt trọng tài thương mại ngang hàng với Tòa án về hiệu lực của các quyết định trong lĩnh vực chuyển quyền sử dụng đất – một điểm chưa từng có tiền lệ trong các đời luật đất đai trước đây.
Bên cạnh đó, khoản 6 Điều 137 của Luật Đất đai năm 2024 tiếp tục củng cố vai trò pháp lý của Trọng tài thương mại khi quy định rằng hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo quyết định hoặc phán quyết của của Trọng tài thương mại. Việc công nhận tương đương về giá trị hiệu lực giữa bản án tư pháp và phán quyết trọng tài tạo nên một bước tiến lớn trong quá trình thể chế hóa hoạt động trọng tài như một thiết chế tài phán song song trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
“6. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”
Ý nghĩa và tác động thực tiễn
Từ góc độ thực tiễn, có thể nhận định rằng việc mở rộng thẩm quyền cho Trọng tài thương mại trong lĩnh vực đất đai mang lại nhiều tác động tích cực. Trước hết, nó giúp giảm tải đáng kể khối lượng công việc cho hệ thống Tòa án và UBND các cấp, vốn đang phải xử lý một số lượng lớn các vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài và phức tạp. Bên cạnh đó, trọng tài với ưu điểm về tính linh hoạt, thời gian giải quyết nhanh chóng, và sự lựa chọn của các bên tham gia tranh chấp, có thể giúp cải thiện đáng kể hiệu quả và chất lượng của hoạt động giải quyết tranh chấp. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và các quan hệ dân sự – thương mại ngày càng đa dạng, việc áp dụng cơ chế trọng tài cho các tranh chấp đất đai có yếu tố thương mại được xem là hướng đi phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và thương mại hóa quan hệ dân sự.
Ngoài ra, thay đổi này còn góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Trọng tài thương mại Việt Nam trong hệ thống pháp luật quốc gia. Sự công nhận chính thức thẩm quyền và hiệu lực của các quyết định trọng tài trong lĩnh vực đất đai – một lĩnh vực có tính nhạy cảm và phức tạp về cả pháp lý và xã hội, cho thấy sự tin tưởng của nhà làm luật vào cơ chế giải quyết tranh chấp phi tư pháp, đồng thời mở đường cho việc tiếp tục mở rộng áp dụng trọng tài trong các lĩnh vực pháp lý khác trong tương lai.
Tổng kết lại, việc bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho Trọng tài thương mại theo Luật Đất đai năm 2024 là một cải cách đột phá và có ý nghĩa sâu rộng. Không chỉ mở rộng phương thức giải quyết tranh chấp, quy định mới còn góp phần tái cấu trúc hệ thống phân xử các vấn đề liên quan đến đất đai, đảm bảo tính đa dạng, hiệu quả và hiện đại trong cơ chế bảo vệ quyền lợi của các chủ thể sử dụng đất. Trong dài hạn, sự thay đổi này hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa hệ thống trọng tài, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.