Trọng tài thương mại tồn tại ở hai hình thức đó là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế (hay trọng tài thường trực).
Trọng tài vụ việc
Theo khoản 7, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010: “Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.”
Bản chất của trọng tài vụ việc được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:
– Được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp
Tính chất “vụ việc” hay “lâm thời” của hình thức trọng tài này thể hiện ở chỗ, trọng tài chỉ được thành lập theo thỏa thuận của các bên tranh chấp để giải quyết vụ tranh chấp cụ thể giữa các bên. Hình thức trọng tài này chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên, khi giải quyết xong vụ tranh chấp trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
– Không có cơ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên
Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
– Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng
Trọng tài vụ việc chỉ được các bên thành lập khi phát sinh tranh chấp nên quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian cũng như công sức đầu tư vào việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kì một quy tắc tố tụng phổ biến nào.
Trọng tài quy chế (hay trong tài thường trực)
Theo Khoản 6, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010: “Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.”
Trọng tài quy chế, còn gọi là trọng tài thường trực, là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trung tâm trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và nguyên tắc riêng.
Bản chất của trọng tài quy chế được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:
– Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống các cơ quan Nhà nước
Các Trung tâm trọng tài không nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước.
Là tổ chức phi chính phủ nhưng các Trung tâm trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước.
– Các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tồn tại độc lập với nhau
Trung tâm trọng tài là tổ chức có tư cách pháp nhân, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp nhân quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015. Mỗi Trung tâm trọng tài là một pháp nhân, tồn tại độc lập và bình đẳng với các Trung tâm trọng tài khác. Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
– Tổ chức và quản lý của các trung tâm trọng tài đơn giản, gọn nhẹ
Cơ cấu tổ chức của trung tâm trọng tài bao gồm có ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Ban điều hành của trung tâm trọng tài bao gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký.
Bên cạnh ban điều hành, trung tâm trọng tài còn có các trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên. Các Trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
– Trung tâm trọng tài có thể tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng
Trong quá trình hoạt động, các trung tâm trọng tài có quyền mở rộng và thu hẹp lĩnh vực hoạt động, nhưng phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mỗi Trung tâm trọng tài đều có điều lệ riêng, đặc biệt là quy tắc tố tụng riêng được xây dựng căn cứ vào đặc thù về tổ chức, hoạt động của Trung tâm và không trái với quy định của pháp luật Trọng tài thương mại.