Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài Thương Mại

Giải Quyết Tranh Chấp Bằng Trọng Tài Thương Mại
Mục lục

I. Khái niệm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là phương thức giải quyết thông qua hoạt động của Trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.

Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

  • Tìm hiểu thêm về trọng tài và các hình thức trọng tài thương mại qua bài viết sau:

Trọng Tài Thương Mại Là Gì? Pháp Luật Về Trọng Tài Thương Mại

II. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

  • Trọng tài phải tôn trọng thoả thuận của các bên, với điều kiện rằng thoả thuận không vi phạm điều cấm và nguyên tắc đạo đức xã hội.
  • Trọng tài phải tuân thủ quy định của pháp luật, đảm bảo tính độc lập, khách quan và vô tư.
  • Các bên tranh chấp được coi là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, và hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
  • Quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thường không công khai, trừ khi có thỏa thuận khác từ các bên.
  • Phán quyết trọng tài là chung thẩm.

III. Đặc điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi chính phủ do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp thương mại mang các đặc điểm cơ bản sau:

1. Trọng tài chỉ giải quyết tranh chấp thương mại khi có yêu cầu của các bên tranh chấp và tranh chấp đó phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.

Khi tranh chấp phát sinh, các bên có quyền yêu cầu giải quyết vụ tranh chấp bằng trọng tài. Đây là một trong những quy định đảm bảo quyền định đoạt của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp của các bên được ghi nhận bằng thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài phải có hiệu lực pháp luật. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài bao gồm:

  • Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại;
  • Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài.

Tuy nhiên, các bên có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì vụ tranh chấp thuộc thẩm quyền của toà án. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác như:

  • Có quyết định của toà án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên.
  • Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài được quy định tại Khoản 1 Điều 43, các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
  • Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao.

Tại Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ đưa ra hai loại tranh chấp có thể được áp dụng theo thủ tục trọng tài, đó là tranh chấp thương mại và tranh chấp đầu tư (Tranh chấp thương mại tại Chương 1 Điều 7 khoản 2 và tranh chấp đầu tư quy định tại Chương 4 Điều 1 khoản 10 Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000).

2. Chủ thể giải quyết tranh chấp thương mại là các Trọng tài viên thực hiện thông qua Hội đồng trọng tài gồm một Trọng tài viên độc lập hoặc hội đồng gồm nhiều Trọng tài viên.

Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc toà án chỉ định để giải quyết tranh chấp (theo quy đinh của Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Trọng tài viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Trọng tài là một tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Bản thân các Trọng tài viên cũng không phải là cán bộ, công chức, viện chức.

3. Giải quyết tranh chấp thương mại bằng Trọng tài thương mại đảm bảo sự kết hợp hai yếu tố: thỏa thuận và phán quyết.

Giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài là phương thức đảm bảo quyền tự định đoạt cao nhất của các bên. Các bên tranh chấp có thể thống nhất, thỏa thuận lựa chọn Trung tâm trọng tài, Trọng tài viên, địa điểm giải quyết hay luật áp dụng… Các bên có thể thỏa thuận trọng tài về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (Khoản 2 Điềụ 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010).

Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài (Khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010). Khác với phán quyết của toà án có thể bằng bản án hoặc quyết định (mang tính quyền lực nhà nước) thì phán quyết của trọng tài bằng quyết định nhân danh và vì lợi ích của các bên tranh chấp (không mang tính quyền lực nhà nước).

Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành (Khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010), không bị kháng cáo, kháng nghị.

4. Trọng tài là một cơ chế giải quyết tranh chấp đảm bảo tính bí mật.

Trọng tài là một tiến trình giải quyết tranh chấp có tính riêng biệt. Hầu hết pháp luật về trọng tài của các nước đều thừa nhận nguyên tắc trọng tài xử kín (in camera) nếu các bên không quy định khác.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Tính bí mật thể hiện rõ ở nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín, đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại.

Quy định này có ý nghĩa lớn trong điều kiện cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh và giải quyết được sự quan ngại vì nếu nội dung vụ tranh chấp được công khai sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Đặc điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

IV. Điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra, tuỳ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Thỏa thuận trọng tài có thể được ghi nhận trong hợp đồng hoặc thông qua thỏa thuận riêng, nhưng điều quan trọng là thỏa thuận phải được thể hiện bằng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được xem là có hiệu lực văn bản:

  • Thỏa thuận qua trao đổi bằng fax, thư điện tử hoặc các phương tiện khác theo quy định của pháp luật.
  • Thỏa thuận qua trao đổi thông tin giữa các bên.
  • Thỏa thuận được ghi chép lại bằng văn bản bởi luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền theo yêu cầu của các bên.
  • Thỏa thuận được phản ánh trong các tài liệu liên quan như hợp đồng, chứng cứ, điều lệ công ty và các tài liệu tương tự.
  • Thỏa thuận được nhận biết thông qua trao đổi về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ, trong đó sự tồn tại của thỏa thuận được một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Tùy theo tình huống và sự thoả thuận của các bên, các hình thức trên có thể được sử dụng để thiết lập thỏa thuận trọng tài.

Thỏa thuận trọng tài sẽ bị vô hiệu đối với những trường hợp sau đây:

  • Thỏa thuận trọng tài được xác lập để giải quyết tranh chấp không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài Thương mại 2010.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Người xác lập không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
  • Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Hình thức của thỏa thuận không phù hợp với các quy định được nêu ở trên.
  • Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  • Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.

V. Luật áp dụng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Căn cứ Điều 14 Luật Trọng tài thương mại 2010, Luật áp dụng giải quyết tranh chấp được quy định như sau:

  • Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
  • Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
  • Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

VI. Ưu, nhược điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

1. Ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

  • Thủ tục trọng tài áp dụng cho tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn và cho phép các bên chủ động về thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp, giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết.
  • Quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên chọn những chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp.
  • Trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin và phiên họp trọng tài không công khai, giúp bảo đảm uy tín của các bên trong tranh chấp trên thương trường.
  • Thẩm quyền của hội đồng trọng tài dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên và linh hoạt hơn, phù hợp cho việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
  • Phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành, có thể cưỡng chế thi hành trong lãnh thổ Việt Nam và được công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.

2. Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

  • Để thúc đẩy tính hợp tác và tự hòa giải giữa các bên, kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài phụ thuộc vào thái độ và thiện chí của các bên tranh chấp. Nếu các bên quá cứng nhắc, việc làm việc trở nên khó khăn và có thể dẫn đến việc chuyển sang Tòa án để giải quyết.
  • Hiện nay, đa số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp. Điều này là do phán quyết của trọng tài không có tính cưỡng chế cao và quá trình thực thi phụ thuộc vào sự thiện chí và hợp tác của các bên.
  • Phán quyết của trọng tài cũng có thể bị yêu cầu xem xét lại và hủy bỏ khi một trong các bên tranh chấp đề nghị tòa án thẩm quyền. Đây là lý do chính khiến việc sử dụng trọng tài để giải quyết tranh chấp ít được lựa chọn.
  • Trong quá trình giải quyết tranh chấp, trọng tài có thể gặp khó khăn, đặc biệt là trong các tranh chấp phức tạp, như việc xác minh và thu thập chứng cứ, triệu tập nhân chứng và các vấn đề tương tự vì trọng tài không có bộ máy hỗ trợ và không có cơ quan thi hành cưỡng chế như Tòa án. Dẫn đến các trường hợp trọng tài gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin cá nhân nếu như các bên không hợp tác.

VI. Tìm kiếm cơ sở giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài ở đâu?

Là một trong những tổ chức trọng tài, hòa giải uy tín hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín quốc tế, những năm gần đây, TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BIGBOSS (BBIAC) đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp trong nước và quốc tế liên quan đến tất cả lĩnh vực như mua bán hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, tài chính, ngân hàng, đầu tư và các lĩnh vực khác với các bên tranh chấp đến từ hầu hết các tỉnh thành tại Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác kinh tế thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Trải qua gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, BBIAC đã không ngừng lớn mạnh, đem lại niềm tin và là chỗ dựa về công lý của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BIGBOSS (BBIAC)

Thông tin liên hệ

TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ BIGBOSS

Địa chỉ: Số 25 Đường GS01, Khu phố Tây B, Phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương
Tel: 0767687869
Email: info.bbiac@gmail.com

.
Lên đầu trang

Đăng tài liệu

TIÊU ĐỀ BÀI ĐĂNG
NỘI DUNG BÀI ĐĂNG
tải tệp lên (chỉ pdf)
Maximum file size: 512 MB