Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Mục lục

1. Quy trình cơ bản của trọng tài thương mại

Bước 1: 

  • Đối với nguyên đơn trong vụ kiện tại trung tâm trọng tài thương mại 
  • Nguyên đơn nộp Đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài.
  • Đơn kiện bao gồm ngày, tháng; tên và địa chỉ của các bên; tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; căn cứ pháp lý để khởi kiện; trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn; tên trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn.
  • Đơn kiện và các tài liệu kèm theo phải được lập thành 5 bản (Đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 3 Trọng tài viên), hoặc 3 bản (Đối với trường hợp Hội đồng Trọng tài có 1 Trọng tài viên).
  • Khi nộp Đơn kiện, Nguyên đơn phải đồng thời nộp phí trọng tài.
  • Nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.
  • Đối với bị đơn trong vụ kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại 
  • Bị đơn nộp Bản Tự bảo vệ và chỉ định trọng tài viên sau khi nhận được thông báo từ BBIAC như tại bước 2.
  • Bản tự bảo vệ gồm ngày tháng; tên và địa chỉ của Bị đơn; căn cứ pháp lý để tự bảo vệ; kiến nghị cụ thể của Bị đơn; tên trọng tài viên mà Bị đơn chọn. Ngoài ra, Bị đơn có thể nộp Đơn kiện lại hoặc đưa ra phản đối về vấn đề thẩm quyền.
  • Trong trường hợp có Đơn kiện lại, Bị đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện lại trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.
  • Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ sẽ không ngăn cản BBIAC tiếp tục quá trình tố tụng trọng tài,
  • Nếu Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ, hoặc Bản tự bảo vệ không đề cập đến việc chỉ định trọng tài viên, Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên cho Bị đơn.

Bước 2: Trung tâm Trọng tài thương mại kiểm tra sơ bộ về vấn đề thẩm quyền, thụ lý Đơn kiện và gửi thông báo cho Bị đơn

Bước 3: Thành lập Hội đồng Trọng tài. Chủ tịch Hội đồng Trọng tài sẽ được hai Trọng tài viên của Nguyên đơn và Bị đơn bầu hoặc do Chủ tịch BBIAC chỉ định.

Bước 4: Hội đồng Trọng tài xem xét giải quyết vụ tranh chấp

Hội đồng Trọng tài quyết định cách thức tiến hành tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài và Quy tắc tố tụng của BBIAC. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài cũng xem xét yêu cầu của các bên.

Hội đồng Trọng tài nghiên cứu hồ sơ, có quyền xác minh sự việc, gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ.

Bước 5: Mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyết định

Nếu các bên không tham dự họp giải quyết vụ tranh chấp mà không có lý do chính đáng, Hội đồng Trọng tài vẫn có thể quyết định tiếp tục phiên họp và công bố Quyết định Trọng tài

Bước 6: Công bố Quyết định Trọng tài

Quyết định Trọng tài được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các Bên.

2. Cách lựa chọn Trọng tài viên

2.1. Các tiêu chí/điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 (“Luật TTTM 2010”)

Khoản 1 Điều 20 Luật TTTM 2010 đặt ra các tiêu chuẩn của một người được làm Trọng tài viên:

  • Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
  • Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
  • Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.

Khoản 2 Điều 20 Luật TTTM 2010 liệt kê các trường hợp một người không được làm Trọng tài viên dù đáp ứng đủ yêu cầu tại Khoản 1 Điều 20 Luật TTTM 2010:

  • Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
  • Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.

Khoản 1 Điều 42 Luật TTTM 2010 liệt kê các trường hợp một người phải từ chối giải quyết tranh chấp hay nói cách khác, không được làm Trọng tài viên:

  • Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên;
  • Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp;
  • Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan;
  • Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản.

Người không đáp ứng được các tiêu chí/điều kiện bắt buộc theo quy định của Luật TTTM 2010 không được làm Trọng tài viên.

2.2. Các tiêu chí cần cân nhắc theo quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài của BBIAC

2.2.1. Quy định chung đối với Trọng tài viên (điều 21 Quy tắc trọng tài của BBIAC)

Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên và trong quá trình tố tụng trọng tài, người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên phải thông báo kịp thời cho BBIAC về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự vô tư, độc lập và khách quan của mình để BBIAC thông báo cho các bên.

Trọng tài viên không được hành động như là luật sư của bất kỳ bên nào.

Người được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên không được làm Trọng tài viên trong các trường hợp sau:

  • Là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên.
  • Có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp.
  • Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất kỳ bên nào trong chính vụ tranh chấp đang được đưa ra giải quyết tại BBIAC, trừ khi các bên chấp thuận bằng văn bản.
  • Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, độc lập hoặc không khách quan.
  • Không đáp ứng tiêu chuẩn cụ thể mà các bên đã thỏa thuận.
  • Không đáp ứng tiêu chuẩn theo pháp luật trọng tài được áp dụng.

Trong quá trình tố tụng trọng tài, Trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào; không bên nào được gặp hoặc liên lạc riêng với Trọng tài viên để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về tiêu chuẩn cụ thể của Trọng tài viên thì Trọng tài viên được xem là đáp ứng tiêu chuẩn đó, trừ khi trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về Trọng tài viên được chọn hoặc được chỉ định, một bên có yêu cầu thay đổi Trọng tài viên với lý do Trọng tài viên đó không đủ tiêu chuẩn mà các bên đã thỏa thuận. Việc thay đổi Trọng tài viên trong trường hợp này được thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Quy tắc này.

Khi nhận được thông báo về việc được chọn hoặc được chỉ định làm Trọng tài viên, Trọng tài viên phải từ chối nhận giải quyết vụ tranh chấp nếu tự xét thấy không đủ năng lực chuyên môn, thời gian, sức khỏe đảm bảo việc giải quyết tranh chấp đạt hiệu quả cao nhất.

 2.2.2. Thay đổi Trọng tài viên

Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên nếu Trọng tài viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 21 của Quy tắc này.

Thông báo từ chối giải quyết vụ tranh chấp của Trọng tài viên, Đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của một bên hoặc các bên phải được gửi tới BBIAC bằng văn bản.

Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch BBIAC quyết định.

Trong trường hợp Hội đồng Trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài quyết định. Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch BBIAC quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên.

Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ tịch BBIAC quyết định thay đổi Trọng tài viên, Trọng tài viên thay thế được chọn hoặc được chỉ định theo các quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Quy tắc này. Các bên không được chọn lại Trọng tài viên đã bị thay đổi, Chủ tịch BBIAC không được chỉ định lại Trọng tài viên đã bị thay đổi.

Trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài hoặc Chủ tịch BBIAC quyết định không thay đổi Trọng tài viên thì Trọng tài viên này phải tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp.

Quyết định của Chủ tịch BBIAC hoặc quyết định của các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài về việc thay đổi Trọng tài viên có thể không nêu căn cứ ra quyết định. Quyết định này là cuối cùng.

BBIAC hoặc Hội đồng Trọng tài có thể ấn định các chi phí phát sinh từ việc thay đổi Trọng tài viên và quyết định một bên hoặc các bên phải chịu chi phí đó.

Trong trường hợp Trọng tài viên vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không thể tiếp tục tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bị thay đổi thì việc chọn, chỉ định Trọng tài viên thay thế được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 18 hoặc Điều 19 của Quy tắc này.

Hội đồng Trọng tài được thành lập sau khi thay đổi Trọng tài viên có thể xem xét lại những vấn đề đã được đưa ra tại các phiên họp giải quyết tranh chấp của Hội đồng Trọng tài trước đó, có tham khảo ý kiến của các bên.

Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Quy trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

3. Đưa ra phán quyết và hiệu lực pháp lý trong Trọng tài thương mại Quốc tế

3.1. Đưa ra phán quyết trong trọng tài thương mại quốc tế

Căn cứ khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.

Căn cứ Điều 60 Luật Trọng tài thương mại 2010, nguyên tắc ra phán quyết của trọng tài được quy định như sau:

  1. Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.
  2. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài

Vậy phán quyết của trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài và được ra quyết định theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số của Hội đồng trọng tài.

3.2. Hiệu lực pháp lý của phán quyết Trọng tài thương mại quốc tế

Căn cứ khoản 3, khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài 2010 quy định phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Ngoài ra đối với phán quyết của trọng tại vụ việc, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu đăng ký phán quyết của Trọng tài vụ việc tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. Việc đăng ký hoặc không đăng ký phán quyết trọng tài không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật Trọng tài 2010.

Từ những quy định trên phán quyết của trọng tài là phán quyết chung thẩm được thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, vì thế giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài được xem là tương đương với bản án. Tuy nhiên trọng tài chỉ được giải quyết những vụ án liên quan đến kinh doanh – thương mại.

4. Cách để giải quyết tranh chấp bằng Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế BigBoss

Để giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài thương mại tại BBIAC. Quý khách hàng có thể ghi vào hợp đồng 1 trong 2 nội dung sau: 

4.1. Điều khoản trọng tài mẫu

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế BIGBOSS (BBIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung: 

(a) số lượng trọng tài viên là [một hoặc ba].

 (b) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia]. 

(c) luật áp dụng cho hợp đồng là [ ].* 

(d) ngôn ngữ trọng tài là [ ].** Ghi chú: * 

Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài ** 

Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

4.2. Điều khoản trọng tài mẫu áp dụng cho thủ tục rút gọn

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế BIGBOSS (BBIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 của Quy tắc tố tụng trọng tài của BBIAC.”

Ngoài ra, các bên có thể bổ sung:

(a) địa điểm trọng tài là [thành phố và/hoặc quốc gia].

(b) luật áp dụng cho hợp đồng là [ ].*

(c) ngôn ngữ trọng tài là [ ]. **

Ghi chú:

* Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài

** Chỉ áp dụng đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài hoặc tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

 

.
Lên đầu trang

Đăng tài liệu

TIÊU ĐỀ BÀI ĐĂNG
NỘI DUNG BÀI ĐĂNG
tải tệp lên (chỉ pdf)
Maximum file size: 512 MB