Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại những nước có nền kinh tế phát triển. Ở Việt Nam, cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài được xác lập từ lâu, dù theo quy định của pháp luật mỗi thời kỳ, cách thức tổ chức và hoạt động của tổ chức trọng tài là khác nhau.
- Thứ nhất, trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp
Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại: với tính chất là một phương thức giải quyết tranh chấp, trọng tài thương mại được hiểu là phương thức trong đó các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận với nhau để ủy thác việc giải quyết tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa họ cho trọng tài. Trên cơ sở các tình tiết khách quan của tranh chấp, được quyền đưa ra quyết định cuối cùng để giải quyết tranh chấp và quyết định này có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên. Qua đó, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua thủ tục tố tụng chặt chẽ hơn so với thương lượng và hòa giải. Kết quả của việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài là phán quyết do trọng tài tuyên đối với các đương sự của vụ tranh chấp.
- Thứ hai, trọng tài là cơ quan giải quyết các tranh chấp
Trọng tài thương mại là cơ quan giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Trọng tài là một cơ quan tài phán độc lập, tồn tại song song với Tòa án, có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. Quyền lực trọng tài không tự nhiên mà có mà xuất phát từ sự thỏa thuận giữa các chủ thể tranh chấp đối với trọng tài. Phán quyết của trọng tài vừa là sự kết hợp giữa ý chí, sự thỏa thuận của các bên, vừa mang tính tài phán của cơ quan có thẩm quyền xét xử.
Theo khoản 1 điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010 thì “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”.
Như vậy, ta có thể hiểu Trọng tài thương mại là hình thức tài phán mà quyền lực của nó được tạo nên bởi chính các bên trong quan hệ tranh chấp thương mại. Tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự, pháp luật quy định nguyên tắc loại trừ thẩm quyền của tòa án khi các bên đã lựa chọn trọng tài.
Đặc điểm của trọng tài thương mại?
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi nhà nước (phi chính phủ) do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết các tranh chấp thương mại. Trọng tài chính là bên trung gian thứ ba được các bên tranh chấp chọn ra để giúp các bên giải quyết những xung đột, bất đồng giữa họ trên cơ sở đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên.
Về bản chất, trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước mà được giải quyết thông qua phán quyết của trọng tài thương mại theo thủ tục linh hoạt, mềm dẻo, là một phương thức giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi các thiết chế đặc biệt. Do vậy, trọng tài mang một số đặc trưng cơ bản sau:
- Thứ nhất, Trọng tài thương mại là một loại hình tổ chức phi chính phủ, trọng tài có quyền phán quyết như tòa án và quyết định của trọng tài được cưỡng chế thi hành.
Nhà nước không can thiệp sâu vào các hoạt động của cơ quan trọng tài, nhưng sẽ thực hiện vai trò quản lý của mình thông qua hệ thống các quy định pháp luật, cũng như những tác động khác như tham gia điều ước quốc tế, đào tạo, hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất…
- Thứ hai, trọng tài là sự kết hợp của hai yếu tố thỏa thuận và tài phán.
Trước tiên, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật về trọng tài. Một trong những nguyên tắc cơ bản của trọng tài đó là thẩm quyền được hình thành từ ý chí thỏa thuận của các bên tranh chấp.
- Thứ ba, Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có sự hỗ trợ của Tòa án.
Pháp luật của nhiều nước trên thế giới cũng như pháp luật Việt Nam đều ghi nhận sự hỗ trợ của Tòa án đối với việc tổ chức và hoạt động của trọng tài thương mại. Tòa án hỗ trợ trọng tài về các nội dung như: thông qua trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài thương mại…
- Thứ tư, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và không thể kháng cáo trước bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Do đặc thù tố tụng, tòa án có thể thực hiện ở nhiều cấp xét xử nên một bản án do tòa án tuyên bố có thể bị kháng cáo, kháng nghị, được giải quyết theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Bởi vậy, nếu đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại tòa án sẽ mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Trong khi đó, với nguyên tắc xét xử một lần, tiêu chí các bên tranh chấp đặt ra là giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài đã hoàn toàn được đáp ứng ở tố tụng trọng tài. Nếu một bên không thi hành thì bên kia có quyền yêu cầu tòa án công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài. Đặc điểm này thể hiện cơ chế nhanh gọn trong việc giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, khác với quyết định trọng tài, thỏa thuận của các bên không mang tính ràng buộc. Trong trường hợp một bên không tự nguyện thực hiện thỏa thuận hòa giải, bên kia có thể khởi kiện ra trọng tài hoặc tòa án tùy theo thỏa thuận của các bên.