Nhắc đến thuật ngữ “trọng tài”, chúng ta sẽ nghĩ đến những người nắm rõ “luật chơi”, hiểu “luật chơi” và quản lý trò chơi một cách công bằng và hiệu quả nhất. Dưới góc độ khoa học pháp lý, “trọng tài”- một hình thức tố tụng ngoài Tòa án cũng mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng đó. Cụ thể, các bên tham gia tranh chấp thống nhất nếu có tranh chấp phát sinh sẽ do một hoặc một số người (được gọi là “trọng tài viên” hay “Hội đồng trọng tài”) giải quyết. Quyết định, phán quyết đó có tính chất bắt buộc các bên phải tuân thủ thực hiện.
Vậy “trọng tài viên” là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì “Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp”.
Có thể hiểu rằng, khi các bên lựa chọn thủ tục tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp thì các bên trong quan hệ tranh chấp này sẽ có quyền lựa chọn Trọng tài viên. Trong trường hợp các bên không thể lựa chọn được Trọng tài viên phù hợp, lúc này trọng tài viên sẽ được phân công theo quy chế của Trung tâm trọng tài hoặc theo chỉ định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, tư cách trọng tài viên chỉ được xác lập khi có yêu cầu của đương sự.
Thực tiễn cho thấy, các Trọng tài viên là người giữ vai trò chủ đạo, mang tính định hướng giải quyết vụ việc. Một trọng tài viên giỏi là một trọng tài viên giải quyết vụ việc một cách khách quan, vô tư; góp phần giúp vụ việc được giải quyết nhanh chóng, công bằng và hiệu quả hơn.
Để trở thành một trọng tài viên, cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì?
Để có thể hành nghề trọng tài, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn, Trọng tài viên có nghĩa vụ tuân thủ các nguyên tắc của tố tụng trọng tài và quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Một là, trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Đây được xem là nguyên tắc tối quan trọng của tố tụng trọng tài, sự tự thỏa thuận là nền tảng của các quy định pháp luật liên quan tới trọng tài. Tuy nhiên, việc tôn trọng ý chí của các bên không có nghĩa là trọng tài viên trở nên phụ thuộc và thiên vị bất cứ bên nào. Các trình tự tối thiểu và nguyên tắc pháp luật có liên quan chính là ràng buộc tới trách nhiệm của trọng tài viên trong quá trình giải quyết.
Thứ hai, trọng tài viên phải độc lập, vô tư, khách quan.
Đây là nguyên tắc thứ 2 được đề cập tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, Trọng tài viên phải đáp ứng đủ các điều kiện nhật định để đảm bảo rằng họ độc lập, vô tư, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp.
Hơn thế nữa, để trở thành một trọng tài viên cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại.
Khi tham gia giải quyết tranh chấp, trọng tài viên phải thật sự là người thứ ba độc lập, vô tư, không liên quan đến các bên có tranh chấp cũng như không có bất kỳ lợi ích nào dính dáng đến vụ tranh chấp đó.
Nếu vi phạm, trọng tài viên phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp hoặc các bên có quyền đối trọng tài viên. Trong quá trình giải quyết, trọng tài viên phải căn cứ vào các tình tiết của vụ việc, xác minh sự việc nếu thấy cần thiết và phải căn cứ vào chứng cứ thu thập được để ra phán quyết.
Đặc biệt, không ai có quyền can thiệp, chỉ đạo vào việc giải quyết tranh chấp của trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài.
Cuối cùng, trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật
Đây được coi là nguyên tắc rất quan trọng trong mọi thủ tục tố tụng cũng như giải quyết mọi vấn đề của đời sống xã hội. Mặc dù trọng tài viên có nghĩa vụ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nhưng trên hết, trọng tài viên có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Hơn thế nữa, trong tiêu chuẩn chuyên môn trọng tài viên, điều kiện là cá nhân hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm công tác nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật là điều kiện bắt buộc. Do vậy, việc giải quyết vụ việc trên cơ sở pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với từng trọng tài viên.
Có các hình thức trọng tài viên nào để các bên lựa chọn?
Trong lĩnh vực thương mại, trọng tài tồn tại dưới hai hình thức là trọng tài vụ việc (trọng tài ad-hoc) và trọng tài thường trực.
Theo đó, trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và sẽ tự chấm dứt tồn tại khi vụ việc được giải quyết.
Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và không có danh sách trọng tài viên riêng, cũng không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình mà xây dựng quy tắc tố tụng theo thỏa thuận của các đương sự.
Trong khi đó, trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài, hiệp hội trọng tài hay các viện trọng tài. Ở Việt Nam, mô hình này được quy định là Trung tâm trọng tài, là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và có trụ sở giao dịch ổn định.
Như vậy, Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn dựa trên các trọng tài viên vụ việc hoặc được Trung tâm trọng tài hay Tòa án chỉ định dựa trên danh sách các trọng tài viên thường trực tại Trung tâm trọng tài. Đồng thời, để trở thành trọng tài viên, cá nhân cần đáp ứng các yêu cầu luật định về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức hành nghề.